Thay mặt cho giáo viên trong tổ nhóm của mình, tôi xin trình bày tham luận bày tỏ ý kiến về vấn đề “Đổi mới phương pháp dạy hoc”. Tham luận của tôi gồm 2 vấn đề chính
-
Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học nói chung
-
Đổi mới dạy học trong phân môn Tiếng Anh _Trường THPT Thượng Cát.
-
Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học nói chung:
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”.
-
Vì vậy đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.
-
Đổi mới phương pháp dạy học phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy.
-
Tuy nhiên đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập mà cần cải tiến để nâng cao hiệu quả và hạn chế nhược điểm của chúng. Để nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học này , người giáo viên trước hết cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học mới, có thể tăng cường tính tích cực nhận thức của học sinh trong thuyết trình, đàm thoại theo quan điểm dạy học giải quyết vấn đề. Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau, mỗi một hình thức có những chức năng riêng.
-
Nhận thức được điều đó và thực hiện chỉ đạo cấp trên, cán bộ giáo viên trường THPT Thượng Cát nói chung và đội ngũ giáo viên trẻ giảng dạy môn Tiếng Anh nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục tự nghiên cứu thực hiện để từng bước đổi mới phương pháp dạy học của mình sao cho có hiệu quả và đạt được kết quả nhất định.
Tuy nhiên việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học cần được xem xét, áp dụng 1 cách linh hoạt đặc biệt áp dụng phù hợp với đối tượng học sinh sẽ có hiệu quả hơn.Cụ thể
-
-
Đổi mới phương pháp dạy học trong phân môn Tiếng Anh _ Trường THPT Thượng Cát:
-
Tình hình thực tiễn và khó khăn:
-
Phần lớn học sinh THPT nói chung và học sinh trường THPT Thượng Cát nói riêng có đầu vào Tiếng Anh còn rất thấp do đặc thù nhiều năm liền không tổ chức thi Tiếng Anh ở cấp THCS, các con chỉ tập trung vào ôn luyện Toán và Ngữ văn để thi tuyển vào THPT. Trong khi đó chương trình các con học ở THPT là chương trình tiếp nối của chương trình 7, 10 năm, nhiều học sinh khi tiếp cận bài học trên cấp học THPT đã không thể tiếp thu được kiến thức của bài học.
-
Cũng giống như phần lớn giáo viên các trường THPT, giáo viên Tiếng Anh trường THPT Thượng Cát chúng tôi còn gặp không ít những trở ngại khác khi tiến hành đổi mới phương pháp dạy học. Đó là mặc dù có ý thức cao về đổi mới phương pháp dạy học, nhưng do lượng kiến thức cần truyền đạt quá nặng so với thời gian, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện dạy học còn thiếu, việc thi cử, đánh giá chưa khuyến khích phương pháp dạy học tích cực: ví dụ trên lớp các con học cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng đi thi THPT QG chỉ tập trung vào phần đọc, viết, ngữ pháp vì vậy các con sao nhãng các kỹ năng còn lại.
-
Với cách ra đề thỉ môn Tiếng Anh chỉ có 30% lượng câu hỏi dành cho học sinh học tương đối chắc kiến thức học trên lớp mới làm được như những năm gần đây đã tạo cho học sinh có tư tưởng phó mặc không thật sự cố gắng , nhất là học sinh trung bình và yếu, vì vậy trên lớp các con chưa thật sự hoặc chưa hợp tác với giáo viên khi được yêu cầu làm việc nhóm, cặp, hoặc ngay cả làm việc cá nhân.
-
-
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giờ học môn Tiếng Anh:
Là một giáo viên giảng dạy, trước tình hình thực tiễn như vậy tôi xin mạo muội chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy Tiêng Anh ở trường THPT Thượng Cát.
Thứ nhất : Như tôi đã trình bày ở trên đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là loại bỏ các phương pháp dạy học truyền thống vì vậy tôi vẫn đề cao vai trò của giáo viên trong việc thiết kế các hoạt động khoa học để giới thiệu ngữ liệu mới (ví dụ như dạy từ vựng và cấu trúc ngữ pháp cho học sinh) hoặc dạy cho học sinh kỹ năng khi đọc, nghe, viết… vì đối với học sinh học khá, giỏi các con sẽ tự tìm tòi và tra cứu nhưng đối với đối tượng học sinh như của trường chúng ta nếu giáo viên không phát huy vai trò của mình thì học sinh sẽ không có kiến thức, lâu dần sẽ hổng kiến thức và sợ học.
Thứ 2: Khi soạn giảng bài giáo viên cần kết hợp các phương pháp đặc thù môn học để vừa giới thiệu, vừa gợi mở từ học sinh hoặc cho học sinh làm việc theo cặp, nhóm tổng hợp kiến thức theo sơ đồ tư duy, hoàn thiện phiếu bài tập được thiết kế khoa học và có tính sáng tạo để lĩnh hội tri thức dễ dàng hơn.
Thứ 3: Định hướng, hướng dẫn, giao các nhiệm vụ để học sinh phát huy tính sáng tạo nghiên cứu tìm tòi theo một chủ đề, 1 dự án rồi thuyết trình trước lớp ( nhiệm vụ này thường mang lại hiệu quả rất tốt đối với đối tượng học sinh khá và giỏi.)
Thứ 4: Đổi mới phương pháp dạy học phải gắn liền với đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá.
Theo tôi nên kết hợp nhiều phương pháp đánh giá đối với nhiều đối tượng học sinh trong 1 nhóm, 1 lớp hay trong các lớp mình giảng dạy. Việc đầu tiên không thể không kể đến đó là kết hợp kiểm tra học sinh trong tiến trình bài học: có thể cả kiến thức cũ và mới, không nhất thiết phải kiểm tra đầu giờ.
(Ví dụ: Tôi thường cho điểm cao những học sinh tích cực hoạt động và đóng góp vào tiến trình bài giảng của minh, khích lệ các em tích cực trong giờ và mạnh dạn trong giao tiếp.)
Duy trì việc kiểm tra đều đặn thường xuyên (có thể cả lớp, có thể một nhóm nhỏ học sinh hay một học sinh đơn lẻ) kết hợp với chính sách thưởng phạt sẽ tạo cho các con có nếp học, nếp chuẩn bị bài và đảm bảo chuẩn kiến thức.
Không thể phủ nhận 1 sự thật là trong lớp có một phần đối tượng học sinh học chưa tốt nên sợ học và thường là điểm số thấp. Để tiếp cận đối tượng học sinh đó, tôi thường theo quan điểm đổi mới phương pháp là đổi mới đánh giá theo quá trình và thường có chính sách động viên khích lệ kịp thời từ những tiến bộ nhỏ nhất của học sinh đối với chính bản thân học sinh đó hoặc so với các học sinh khác.
(Ví dụ:- Bình thường có em học sinh có khả năng tiếp thu không tốt,nhút nhát, rụt rè, sợ học và điểm số khi làm bài kiểm tra rất thấp nhưng có những giờ học học sinh này tiến bộ dám giơ tay phát biểu hay chỉ cần nói được 1câu tiếng anh hay xung phong lên bảng viết từ mới tôi không ngần ngại tặng em một điểm 6 hoặc7, dần dần em đó và các học sinh khác thấy có động lực để cố gắng hơn trong học tập.
Tôi cũng tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội làm nhiều bài kiểm tra nhỏ sau mỗi tiết củng cố sau một đơn vị bài học (gồm 5,6 tiết), các con sẽ có cơ hội cố gắng đạt điểm cao trong các bài sau nếu bài trước mình làm chưa tốt, vậy là tôi đã thành công để kích thích các con thêm một lần nữa ôn lại bài mình đã học, giúp cho các con chăm học hơn và dần dần tiến bộ.)
Thứ 5: Với xu thế hội nhập như hiện nay, nhiều trường đã đưa chương trình học Tiếng Anh liên kết với người nước ngoài vào giảng dạy. Tuy nhiên khi đưa vào áp dụng cần cân nhắc tới đối tượng học sinh. Chúng ta chỉ nên áp dụng với các lớp hoặc các đối tượng có đầu vào Tiếng Anh tương đối tốt như các lớp mũi nhọn theo Toán, Văn, Tiếng Anh thì hiệu quả sẽ tốt hơn vì đối với học sinh các lớp đại trà, phần lớn học sinh học trung bình, yếu và sợ học Tiếng Anh do những nguyên nhân như tôi trình bày ở trên thì với thời lượng 1 tiết 1 tuần và lại học thêm 1 giáo trình mới thì sẽ không thu được kết quả như mong muốn.
Trên đây là một vài suy nghĩ của bản thân mang tính chất cá nhân và chủ quan xin trình bày trước hội nghị. Một lần nữa tôi xin kính chức các vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo và cán bộ, công nhân viên trong nhà trường sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của hội nghị